Chim bồ câu và chàng đặt bẫy
“Thuở xưa, lúc nhà vua giòng Bra-ma-na ngự trị tại Bra-ma-na-thi, Như Lai là một con bồ câu sống an vui với cha mẹ, họ hàng trong một cánh rừng nhiều trái ngon nước ngọt. Mỗi ngày, đồng thời với vừng thái dương lố dạng, toàn họ bồ câu đều thức giấc ra khỏi ổ ấm, sè cánh rỉa lông, líu lăng ca hát, rồi chia nhau từng đoàn đi kiếm ăn. Ðến trưa, trời nóng bức, kẻ chui vào những lùm lá tươi mát mẻ ẩn mình, người xuống suối nô đùa trong dòng nước lạnh. Chiều đến, trước sau, các đoàn lần lượt trở về ổ. chờ đêm đến là gác mỏ lên cửa thưởng ngoạn những hột ngọc lóng lánh trên nền trời xanh.
Nhưng bất hạnh thay cho giống bồ câu! Trong xứ có một anh chàng chuyên nghề đặt bẫy chim. Anh ta trét lên cành cây có trái chín một chất nhựa quái quăm. Chim nào dẫm lên đấy là dở chân hết lên, cố đập đến gãy đôi cánh cũng không thế nào thoát nạn. Hớn hở, anh chàng ác độc leo lên bắt từng con đem về nhà, bỏ vào lồng sơn vẽ rất đẹp, nuôi dưỡng như con cưng, đợi đến khi thân tròn thịt béo, anh mang ra chợ bán với một giá rất đắt.
Họ hàng bồ câu nhà ta rất biết cái mánh khóe bất lương của chàng đặt bẫy, thường bảo nhau phải cẩn thận trong khi vào rừng kiếm trái. Nhưng một hôm, quá mê chơi đuổi bắt, ta lại dẫm lên chất nhựa giết chim. Vừa cảm nhận cái rít của nhựa, ta biết nguy, thọc chân trái xuống để lấy chân mặt lên, không dè đôi chân bị giữ ghì lại. Thôi rồi! Còn đâu cảnh đoàn tụ, còn đâu cuộc đời êm ấm trong thanh thoát tự do. Ta cất tiếng thảm sầu kêu to. Cha mẹ, họ hàng vừa bay đến là bóng chàng đặt bẫy lù lù hiện ra dưới gốc cây. Vù một cái, bao nhiêu người thân yêu đều tứ tán, để mình ta trong tuyệt vọng và sợ hãi. Anh chàng thợ bẫy từ từ leo lên, gỡ ta ra khỏi nhựa, ta vùng vẫy muốn bay, nhưng than ôi! Sức con bồ câu non đâu đương với bàn tay lực sĩ. Thôi đành cho số kiếp! Ta được bỏ vào một cái lồng tre, trong đó đã có đôi bà con xa đồng phận.
Chàng thợ bẫy, thấy trời đã gần trưa, quảy lồng ra về. Ðến nhà, anh bốc từng chú câu, bỏ vào một cái lồng lưới lớn. Quả như lời ta đã nghe kể lại trước kho ngộ nạn: trong chốn ngục tù, không thiếu một thức ăn uống nào, lại còn cửa sơn, phòng rộng, kể ra phong lưu không biết gấp mấy lần những cái ổ tranh chốn quê nhà. Nhưng ta biết rồi, tham lấy những cái của này là có ngày đem ra chợ bán. Lập tâm tuyệt thực cho mình gầy vóc hẻo, ta không động đến những hạt thóc no tròn của chủ nhà đặt cạnh bên ta.
Một hôm, hai hôm, ba hôm ta vẫn nén lòng chịu đói. Ðến sáng ngày thứ tư, anh chàng đến thăm. Thấy ta tiều tụy, anh có vẻ lấy làm lạ. Nhẹ mở cửa lồng, anh bắt ta ra và nhẹ nhàng đặt ta lên lòng bàn tay, đưa lên ngang mắt để xem coi vì cớ nào mà ta xanh xao vàng úa. Thấy ta gật gờ, chàng không còn nghi kỵ như lúc đầu, để ta đứng thong thả trên đôi chân run run. Chàng biết đâu rằng ta chỉ đợi chờ phút này. Chàng vừa quay đầu vì có tiếng động sau lưng, ta góp hết tàn lực tung đôi cánh vọt lên cành cao, rồi từ cành này sang cành nọ, ta trở về với núi rừng bao la, để lại tất cả những sung sướng đầy nguy cơ cho anh chàng ác độc”.
Nói đến đây, Ðức Phật thố lộ: “Chàng đặt bẫy kia, chính là Ðề Bà Ðạt Ða ngày nay vậy”.